29 thg 6, 2010

Hạch toán thuế TNDN tạm tính cho doanh nghiệp

Tham khảo : Chuẩn mực kế toán số 17.

CHI PHÍ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HIỆN HÀNH :

1 – Hàng quý, kế toán căn cứ vào tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp để ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp vào chi phí thuế thu nhập hiện hành.
2 - Cuối năm tài chính, căn cứ vào tờ khai quyết toán thuế, nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp trong năm nhỏ hơn số phải nộp cho năm đó, kế toán ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thêm vào chi phí thuế thu nhập hiện hành. Trường hợp số thuế thu nhập tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp của năm đó, kế toán phải ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp.
3 – Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.
4 - Kết thúc năm, kế toán kết chuyển giữa chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm vào Tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm.

 KẾ TOÁN SỬ DỤNG TÀI KHOẢN 8211
CHI PHÍ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HIỆN HÀNH

Bên Nợ:
 - Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại.
 Bên Có:
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận trong năm;
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại;
- Kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành vào bên Nợ Tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.
 Tài khoản 8211 – “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” không có số dư cuối kỳ.

Các nghiệp vụ phát sinh :
- Hàng quý căn cứ vào tơ khai thuế TNDN tạm tính kế toán hạch toán :

     Nợ 8211 : Số thuế TNDN tạm tính phải nộp
        Có 3334 : Số thuế TNDN tạm tính phải nộp
 - Nộp thuế TNDN tạm tính kế toán hạch toán :

    Nợ 3334
       Có 111, 112...
- Kết chuyển :
    Nợ 911
       Có 8211
Cuối năm kế toán xác định thuế TNDN thực tế phải nộp nếu :
- Số phải nộp thực lớn hơn tạm nộp chúng ta sẽ ghi tăng thêm khoản thuế cần nộp thêm : 

           Nợ 8211 (Phần nộp bổ sung)
               Có 3334 (Phần nộp bổ sung)
- Số phải nộp thực nhỏ hơn tạm nộp chúng ta sẽ ghi giảm bớt phần thuế đã nộp theo các quý trước
           Nợ 3334 (Phần chênh lệch giảm)
               Có 8211(Phần chênh lệch giảm)
Cuối kỳ kết chuyển sang 911 để xác định kết quả kinh doanh.
- So sánh tổng số phát sinh bên Nợ TK 8211 và tổng số phát sinh bên Có TK 8211 để kết chuyển chi phí thuế thu nhập Doanh nghiệp hiện hành xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, kế toán ghi:
+ Nếu TK 8211 có tổng số phát sinh bên bên Nợ lớn hơn tổng số phát sinh bên Có
          Nợ TK 911 –Xác định kết quả kinh doanh
                   Có TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành
+ Nếu TK 8211 có tổng số phát sinh bên bên Nợ nhỏ hơn tổng số phát sinh bên Có
          Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành
                   Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh


Theo một số ý kiến thì nếu năm nay kết quả kinh doanh là lỗ thì vẫn sẽ hạch toán thuế TNDN như sau :
Ví dụ là lỗ 20.000.000đồng, với thuế suất là 25% vậy thuế TNDN được hạch toán như sau :

    Nợ 243 (20trx25%=5tr)
        Có 8212 (20trx25%=5tr)
 Điều này chỉ được phép trong trường hợp doanh nghiệp dự tính chắc chắn có được lợi nhuận tính thuế thu nhập trong tuơng lai để sử dụng các khoản chênh lệch tạm thời đuợc khấu trừ, các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng.

28 thg 6, 2010

BỘ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH - Trần Văn Hùng Webketoan

Tác giả Trần Văn Hùng Admin của webketoan.vn đã tổng hợp lại các thủ tục hành chính giúp rất nhiều cho các bạn làm kế toán.
Để sử dụng có thể :

1. Truy cập Website : http://www.thutuchanhchinh.webketoan.vn hoặc :
2. Tải phần mềm về cài đặt tại đây Thủ tục hành chính hoặc :
3. Chạy trực tiếp Offline trên máy tính bằng cách tải về Thủ tục hành chính sau đó giải nén ra và chạy file index.htm để bắt đầu sử dụng mà không cần cài đặt.


Cảm ơn Trần Văn Hùng và Webketoan.

24 thg 6, 2010

Cục thuế TP.HCM thông báo về việc nộp hồ sơ khai thuế TNCN

o        Phòng TTHT thông báo đến quý Tổ chức và Cá nhân kể từ ngày 01/07/2010, tổ chức và cá nhân sử dụng ứng dụng HTKK 2.5.2 (in ra TK có mã vạch) để thực hiện việc kê khai thuế Thu Nhập Cá Nhân (TNCN) đối với tờ khai thuế theo tháng hoặc quý và quyết toán năm thuế TNCN năm 2009.   
§         Lưu ý: Riêng các tờ khai quyết toán thuế năm 2009 (Có thể sử dụng ứng dụng “Hỗ trợ kê khai QTTNCN 1.2) thì thực hiện việc kê khai theo như trước gồm :   
1.       Gửi file dữ liệu (được kết xuất ra từ ứng dụng) qua website http://tncnonline.com.vn hoặc chép file excel được kết xuất từ PM nộp qua bưu điện hay trực tiếp cho cơ quan thuế.   
2.       In ra giấy ký tên đóng dấu nộp qua bưu điện hay trực tiếp cho cơ quan thuế.   
o        Trong quá trình thực hiện việc kê khai trên ứng dụng mà ngành Thuế cung cấp, quý Tổ chức và Cá nhân cần sự hỗ trợ về kỹ thuật xin vui lòng liên hệ số điện thoại: (08)3.9301490, (08)3.6003642, (08)3.6003644.   
o        Chân thành cảm ơn sự hợp tác của quý Tổ chức và Cá nhân.

23 thg 6, 2010

Phát hành phần mềm HTKK v2.5.2 và Quyết toán TNCN v1.2

TỔNG CỤC THUẾ THÔNG BÁO

Về việc phát hành phần mềm ứng dụng Hỗ trợ kê khai thuế (HTKK) phiên bản 2.5.2 và phần mềm Hỗ trợ quyết toán thuế TNCN (QTTNCN) phiên bản 1.2.

Do yêu cầu bổ sung về nghiệp vụ kê khai thuế, đồng thời để khắc phục một số lỗi ứng dụng và tăng tốc độ xử lý dữ liệu, Tổng cục Thuế đã thực hiện nâng cấp ứng dụng kê khai thuế HTKK phiên bản 2.5.2 và QTTNCN phiên bản 1.2. Nội dung các bản nâng cấp này nhằm đáp ứng yêu cầu kê khai thuế bổ sung, hiệu chỉnh một số lỗi phát sinh. Đặc biệt, ứng dụng đã được cải thiện về tốc độ tải bảng kê và kiểm tra dữ liệu, nhất là đối với các cơ quan chi trả có số lượng người lao động từ 1000 người trở lên.

Phần mềm HTKK phiên bản 2.5.2 cũng được sử dụng cho các doanh nghiệp đang thực hiện việc nộp tờ khai thuế qua mạng.


Download HTKK 2.5.2
Download QTTNCN 1.2

VBPL - Thông tư 92/2010/TT-BTC ngày 17/06/2010 về thuế GTGT

Thuộc tính văn bản

Tên văn bản
Hướng dẫn thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.
Ký hiệu văn bản
92/2010/TT-BTC
Loại văn bản
Thông tư
Ngày ký
17/06/2010
Hiện trạng 
Có hiệu lực
Ngày hiệu lực
17/06/2010
Ngày hết hiệu lực
Ngày đăng Công báo
Công báo số
Nguồn
Bộ Tài Chính
Lĩnh vực
Thuế giá trị gia tăng, Thuế hàng hóa xuất nhập khẩu
Người ký
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Cơ quan ban hành
Bộ Tài Chính
Ghi chú
Các văn bản khác có liên quan
205/2009/TT-BTC
Hướng dẫn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm nằm trong dây chuyền công nghệ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp

Thuế TNCN - Nhận quà tặng, thừa kế từ cha mẹ là là quyền sử dụng đất được miễn thuế

Theo điểm 4 Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa cha mẹ đẻ với con đẻ là thu nhập được miễn thuế TNCN. Như vậy khi nhận thừa kế, quà tặng từ cha mẹ của mình là quyền sử dụng đất bạn được miễn thuế TNCN. Hồ sơ miễn thuế trong trường hợp này là bản sao hộ khẩu (nếu cùng sổ hộ khẩu) hoặc bản sao giấy khai sinh ngoài ra Thông tư không có yêu cầu nào khác.

Gia Cát - TaxOnline

Giảm 2/3 thời gian khai thuế giá trị gia tăng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo 17 bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai ngay việc xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên.
Sắp tới sẽ không còn tình trạng cứ đến khoảng ngày 20 hằng tháng, các doanh nghiệp (DN) lại đổ dồn đến cơ quan thuế kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), gây quá tải cho cơ quan thuế, tốn thời gian đi lại, chờ đợi của DN. Việc phải mua hóa đơn GTGT do Bộ Tài chính phát hành với những thủ tục rườm rà cũng sẽ được tháo gỡ.
Khai thuế ba tháng một lần
Trong chương trình Nói và làm vào cuối năm 2009 của HĐND TP.HCM, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, một DN tại Việt Nam phải mất 1.050 giờ mỗi năm để làm thủ tục thuế, trong khi ở Singapore chỉ mất 80 giờ. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP, xác nhận thực tế DN mất 650 giờ để làm thủ tục thuế. Trong đó, việc kê khai thuế GTGT hằng tháng chiếm khá nhiều thời gian.
Theo phương án đơn giản hóa thủ tục thuế trong Nghị quyết 25, sắp tới ở thủ tục khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, các DN nhỏ và vừa sẽ khai thuế ba tháng một lần thay vì hằng tháng như hiện nay. Chỉ các DN lớn mới khai thuế hằng tháng. Như vậy, thời gian khai thuế mỗi năm đối với đa số DN Việt Nam chỉ còn 1/3 so với trước đây. Ngoài ra, thủ tục nộp thuế cũng được nới lỏng thông qua việc mở rộng danh sách các ngân hàng tham gia hệ thống thông tin thu, nộp thuế, kể cả ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo Nghị quyết 25, một số thành phần hồ sơ khi làm các thủ tục thuế như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,… sẽ không yêu cầu công chứng mà chỉ cần nộp bản sao chụp đối chiếu với bản chính.
Không phải đăng ký khi in hóa đơn
Theo nhiều DN, một nút thắt trong thủ tục thuế hiện nay là việc đăng ký mua hóa đơn GTGT do Bộ Tài chính phát hành. Thời gian tới, nút thắt này sẽ được cởi bằng việc mở rộng các đối tượng được quyền sử dụng hóa đơn tự phát hành. Chỉ những tổ chức mới thành lập, DN nhỏ không có khả năng tự in hóa đơn mới phải mua hóa đơn GTGT do Bộ Tài chính phát hành.
Thực ra, quy định cho DN tự in hóa đơn hiện nay đã có. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh việc cho tự in hóa đơn đó cũng không khác gì so với việc mua hóa đơn do Bộ Tài chính ban hành. Lý do: Muốn tự phát hành hóa đơn, DN phải đăng ký và được cơ quan thuế chấp thuận. Cơ quan thuế vẫn quản lý số lượng hóa đơn in, số sêri, toàn bộ các chỉ tiêu thông tin trong hóa đơn. Chưa kể, hóa đơn đó phải in tại các cơ sở được cơ quan thuế chấp nhận.
Những bất hợp lý nêu trên đã được Nghị quyết 25 tháo gỡ theo hướng: Sắp tới, thủ tục đăng ký mẫu hóa đơn tự in sẽ được thay bằng thông báo mẫu hóa đơn tự in. Cụ thể, khi phát hành mẫu hóa đơn tự in mới, DN chỉ cần thông báo cho cơ quan thuế mà không yêu cầu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan thuế. Thông báo này sẽ do Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung về số sêri, mẫu hóa đơn đính kèm và thời gian thông báo cho từng trường hợp… Trong thời hạn nhất định, sau khi DN gửi thông báo mẫu hóa đơn tự phát hành cho cơ quan thuế, nếu cơ quan thuế không trả lời thì DN tự động được lưu hành hóa đơn tự in.
Để thực hiện việc này, Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tại Luật Quản lý thuế năm 2006. Việc này phải hoàn thành trước ngày 30-11. Đồng thời, chuẩn bị nội dung để sửa các nghị định và thông tư liên quan như: Nghị định 85/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Thông tư 60/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định 85/2007…

Sẽ đơn giản hóa 5.000 thủ tục còn lại trong quý III
Ngày 16-6, Thủ tướng có công văn yêu cầu các bộ, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện ngay việc xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện các phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên theo Nghị quyết 25.
Riêng các phương án đơn giản hóa 5.000 thủ tục hành chính còn lại, dự kiến Thủ tướng sẽ thông qua vào quý III tới đây. Theo đó, các cơ quan chủ trì xây dựng các dự thảo thực hiện theo nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản gửi về Bộ Tư pháp tổng hợp trước ngày 30-11 để trình Chính phủ thông qua trước ngày 31-12.
Bộ trưởng Bộ tư pháp sẽ thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các đề nghị của Chính phủ về việc cho phép bổ sung dự án luật, pháp lệnh vào chương trình xây dựng luật năm 2011.


Theo Thu Hằng/PLO
Báo Thanh Niên Online

10 thg 6, 2010

Gia hạn nộp quyết toán thuế TNCN đến hết ngày 31/7/2010

Ngày 4/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hanh công văn số 7209/BTC-TCT cho phép gia hạn nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân đến hết 31/7/2010

Trích yếu :

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính nhận được phản ánh của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, cá nhân tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và một số Cục Thuế địa phương về việc không đảm bảo việc nộp quyết toán thuế TNCN năm 2009 đúng thời hạn. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Ngày 15/3/2010, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 3124/BTC-TCT gia hạn thời gian nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2009 đến hết ngày 31/5/2010.
Tính đến thời điểm 31/5/2010 thì tình hình nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2009 ở một số địa phương do nguyên nhân khách quan chưa xong. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các Cục Thuế, Chi cục Thuế tập trung lực lượng hướng dẫn các doanh nghiệp, người nộp thuế; tổ chức bổ sung địa điểm tiếp nhận; phối hợp các cơ quan liên quan đảm bảo đường truyền thông suốt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong việc kê khai quyết toán thuế qua mạng. Đồng thời Bộ Tài chính gia hạn nộp quyết toán thuế TNCN đến hết ngày 31/7/2010.
Đề nghị các Cục Thuế hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trả thu nhập và cá nhân tự quyết toán thuế biết để tiếp tục nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm 2009 đúng thời hạn.
Bộ Tài chính thông báo để các Cục Thuế biết./.

7 thg 6, 2010

Nghị định 51/2010/NĐ-CP ban hành ngày 14/05/2010 về hoá đơn bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ

Số văn bản 51
Ký hiệu 2010/NĐ-CP
Ngày ban hành 14/05/2010
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Trích yếu Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
Cơ quan ban hành Chính phủ
Phân loại Nghị định

Download

Các màn "phù phép" trong Báo cáo tài chính!

Có nhiều lý do khiến các bản báo cáo tài chính không minh bạch và một trong số đó là cổ phiếu bị đánh giá quá cao (overvaluation). Giá cổ phiếu cao đồng nghĩa với kỳ vọng cao của nhà đầu tư về khả năng sinh lợi của công ty, từ đó gây sức ép lên các nhà lãnh đạo buộc phải tạo ra mức lợi nhuận tương ứng nếu không muốn nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu, nên bản thân họ không muốn giá cổ phiếu bị sụt giảm.

Những lý do này khiến các nhà quản lý khó có lựa chọn nào khác hơn là tìm những thủ thuật phù phép báo cáo tài chính. Tuy nhiên, những thủ thuật này chỉ là biện pháp đối phó nhằm tạo ra ảo tưởng công ty đang làm ăn phát đạt. Vì thế, một khi nhà đầu tư phát hiện doanh nghiệp thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin, hậu quả sẽ khó lường. Lấy Enron làm ví dụ, chính kỳ vọng quá lớn của thị trường đã đẩy các nhà lãnh đạo Enron tới hành vi gian lận tài chính. Sau khi bị phanh phui, giá trị của Enron nhanh chóng bị tụt xuống dưới mức 1 tỷ USD so với giá trị thực khoản 30 tỷ và kết cục sau cùng là phá sản.

Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến những thủ thuật hợp pháp, tuân thủ theo chuẩn mực kế toán, mà các doanh nghiệp Mỹ thường sủ dụng, song cũng không mấy xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Phù phép thông qua các ước tính kế toán

Trong quá trình lập báo cáo tài chính, các công ty thường sử dụng rất nhiều các ước tính kế toán (Accrual earnings management) có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận trong kỳ của công ty. Vì không có một tiêu chuẩn chính xác về giá trị các ước tính này, nên nó được xem là một công cụ đắc lực để phù phép lợi nhuận. Một số thủ thuật làm tăng mức lợi nhuận thường gặp như giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng, giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng nơ khó đói, không ghi nhận chi phí khi tài sản bị giảm giá xuấng dưới giá trị thuần, vốn hoá các khoản chi phí không đủ điều kiện...

Thủ thuật phù phép lợi nhuận dựa trên các ước tính kế toán thực chất không làm tăng lợi nhuận mà chỉ đơn thuần chuyển lợi nhuận của kỳ sau sang kỳ hiện tại. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận các năm sau sẽ bị giảm. Để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường, báo cáo tài chính các năm tiếp theo cũng phải được phù phép. Tuy nhiên, càng về sau, mức lợi nhuận cần phù phép càng lớn khiến cho việc sử dụng các ước tính kế toán trở lên vô hiệu. Đến khi “giấy không thể gói được lửa”, khủng hoảng là điều khó tránh khỏi.

Phù phép thông qua các giao dịch thực

Ngoài phù phép thông qua các ước tính kế toán, doanh nghiệp còn có thể phù phép lợi nhuận thông qua việc giàn xếp một số giao dịch thực (Real earnings management) nhằm tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, mặc dù các giao dịch đó có thể không có lợi cho công ty về lâu dài.

Ø Tăng doanh thu thông qua các chính sách giá và tín dụng

Một biện pháp các doanh nghiệp thường sủ dụng để tăng lợi nhuận khi thấy có nguy cơ không đạt kế hoạch đặt ra là giảm giá bán hoặc nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm tăng lượng hàng bán ra trong những tháng cuối năm tài chính. Biện pháp thứ hai là công bố kế hoạch tăng giá bán đầu năm sau. Ví dụ, để tăng lợi nhuận Quí IV/2007, một công ty sản xuất ôtô có thể công bố kế hoạch tăng giá bán từ Quí I/2008, lập tức doanh thu Quí IV/2007 sẽ tưng vọt. Hai biện pháp này cho phép công ty tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, nhưng sẽ bị giảm vào các năm sau, vì thực chất công ty đã chuyển lợi nhuận của năm sau sang năm hiện tại. Mặt khác, tăng giá bán năm sau còn làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.

Ø Cắt giảm chi phí hữu ích

Cắt giảm chi phí hữu ích như chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), chi phí quảng cáo, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị cũng là cũng là một cách có thể làm tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, vì các chi phí này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của công ty về lâu dài, nên sử dụng giải pháp này cũng đồng nghĩa với việc hy sinh các khoản lợi nhuận tiềm năng trong tương lai.

Ø Trì hoãn thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc các khoản đầu tư không hiệu quả

Đối với các tài sản doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng hoặc các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả, giải pháp tối ưu là thanh lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thanh lý tài sản thường đem lại một khoản lỗ cho công ty trong năm hiện tại. Do đó, nếu lợi nhuận trong năm hiện tại có nguy cơ không đạt được mức kỳ vọng của thị trường, lãnh đạo công ty có thể không muốn thanh lý, mặc dù trì hoãn sẽ gây nhiều thiệt hại cho công ty như làm phát sinh chi phí bảo quản, cản trở không gian sản xuất. Với các tài sản và các khoản đầu tư không hiệu quả thì càng nắm giữ lâu, doanh nghiệp càng lỗ

Ø Bán các khoản đầu tư hiệu quả

Ngoài trì hoãn thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả, công ty có thể bán các khoản đầu tư sinh lời nhằm tăng thêm lợi nhuận cho năm hiện tại. Động thái này được ví như “gặt lúa non”. Vì thế, áp dụng biện pháp trên có nghĩa là công ty tự nguyện bỏ qua tiềm năng sinh lời lớn từ các khoản đầu tư này trong những năm tiếp theo.

Ø Sản xuất vượt mức công suất tối ưu

Trong điều kiện thông thường, mỗi doanh nghiệp thường xác định một mức công suất tối ưu, tuỳ thuộc vào năng lực nội tại cũng như điều kiện thị trường Tuy nhiên, trong trường hợp cần tăng lợi nhuận, công ty có thể quyết định sản xuất vượt mức công suất tối ưu. Điều này cho phép công ty giảm giá thành đơn vị sản phẩm nhờ tận dụng chi phí cố định. Mặt trái của biện pháp này là máy mó, thiết bị phải làm việc quá mức ảnh hưởng tiêu cự tới năng suất và độ bền. Ngoài ra, sản phẩm làm ra nhiều, nếu không bán được, sẽ phát sinh chi phí bảo quản và hàng tồn kho lâu ngày sẽ bị giảm giá trị.

Cả hai biện pháp phù phép báo cáo tài chính (dựa trên các ước tính kế toán hay các giao dịch thực), về bản chất, chỉ là chuyển lợi nhuận của các năm sau sang năm hiện tại. Điểm khác biệt là ở chỗ: trong khi sử dụng các ước tính kế toán không làm thay đổi khả năng sinh lời đích thực của doanh nghiệp, thì việc sử dụng các giao dịch thực để phù phép lợi nhuận sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời của công ty trong dài hạn. Xét về mặt này, làm tăng lợi nhuận thông qua các ước tính kế toán được ưa chuộng hơn.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sử dụng các ước tính kế toán không đủ sức giúp các doanh nghiệp đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng và có thể sẽ gặp trở ngại từ phía kiểm toán viên. Do đó, doanh nghiệp có thể phải dùng đến các giao dịch thực để tăng lợi nhuận. Kiểm toán viên dù phát hiện các thủ thuật này nhưng vì nó tuân thủ các chuẩn mực kế toán, nên cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại.

Tóm lại, dù áp dụng biện pháp nào, về lâu dài đều không có lợi cho nhà đầu tư cũng như cho chính công ty. Xét trên phạm vi toàn xã hội, hậu quả còn nặng nề hơn, vì bê bối tài chính của một công ty không chỉ ảnh hưởng riêng đến công ty đó, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Để ngăn chặc những tác động tiêu cực của “Overvaluation”, các doanh nghiệp cần có ý thức cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo để không đẩy mọi việc đi quá xa vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều khi lợi ích ngắn hạn của “Overvaluation” quá hấp dẫn khiến các doanh nghiệp khó có thể cưỡng lại được. Theo như nhận xét của Giáo sư M.C Jensen, Giám đốc công ty Tư vấn Quản trị doanh nghiệp Monitor Group: “Overvaluation cũng giống như một loại heroin. Nó mang cho ta cảm giác lâng lâng lúc ban đầu, nhưng không lâu sau đó sẽ là những nối đau không cùng.■

Theo: kiemtoan.com 

         kienthuctaichinh.com